GD&TĐ -Trong hai ngày (28 & 29/6) vừa qua, Trung tâm Khu vực về học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO CELLL) đã tổ chức hội thảo khu vực về xã hội học tập. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động khoa học nhằm kỉ niệm 10 năm thành lập trung tâm SEAMEO CELLL.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, TS Ethel Agnes Pascua-Valenzuela- Giám đốc Ban thư ký SEAMEO.
Với chủ đề “Vai trò thúc đẩy học tập suốt đời và thực trạng phát triển ở Đông Nam Á”, Hội thảo đã thu hút hàng trăm đại biểu tham dự dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các học giả, cán bộ quản lý trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai, xây dựng xã hội học tập, cũng như cách thức, giải pháp để triển khai xã hội học tập- chìa khóa để phát triển và hình thành thành phố học tập.
Tại hội thảo, ngoài việc cùng nhau chỉ ra những hạn chế, các vấn đề cần khắc phục để triển khai xã hội học tập hiệu quả, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp, mô hình mới với vai trò nòng cốt, mang tính gắn kết, lan tỏa của SEAMEO trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở các quốc gia Đông Nam Á.
Phát biểu và chia sẻ tại Hội thảo, TS Lê Thị Mỹ Hà- Giám đốc SEAMEO CELLL cho biết: Hội thảo sẽ là chìa khóa, là cơ hội giúp cho các nước trong khu vực Đông Nam Á tìm hiểu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời nơi mọi người dân. Vì vậy, những chia sẻ, kinh nghiệm được trình bày tại hội thảo đều có giá trị rất lớn.
“Với Việt Nam nói chung và SEAMEO CELLL nói riêng, mục tiêu và lộ trình cho vấn đề trên là rất rõ ràng. Chúng tôi mong muốn xây dựng Trung tâm thành trụ cột cho các nước Đông Nam Á trong nghiên cứu, đào tạo, xây dựng tài liệu, tập huấn…
Trong thời gian tới, SEAMEO CELLL sẽ cố gắng phát huy hết sức mạnh nội tại của trung tâm, cũng như xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho thầy cô giáo. Trước mắt là tại Việt Nam, sau đó tiến tới việc xây dựng các chương trình cho các nước trong khu vực”- TS Hà nhấn mạnh.
Theo TS Hà để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, thời gian tới Trung tâm SEAMEO CELLL cũng xác định việc chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, song hành với đổi mới hoạt động chuyên môn và gia tăng phổ biến thông tin, dịch vụ về học tập suốt đời.
” Việt Nam được các nước Đông Nam Á bầu chọn là chủ trì các chương trình hoạt động trong việc thực hiện, kiểm định, đánh giá chương trình đào tạo (giai đoạn 2022-2030). Đây rõ ràng là sự tín nhiệm lớn, cũng là minh chứng cho những gì mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn hơn 20 năm qua khi thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo lớp 5 và lớp 9 theo chuẩn của PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế được điều phối bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế- OECD).
Việc được chọn làm chủ trì các hoạt động kiểm định, đánh giá chương trình đào tạo sẽ tạo sức bật lớn cho SEAMEO CELLL trong thời gian tới khi mục tiêu của trung tâm là trở thành một đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục trong hệ thống kiểm định của Bộ GD&ĐT, cũng như trở thành một thành viên của hệ thống kiểm định quốc tế trong thời gian tới như định hướng và tầm nhìn”- TS Lê Thị Mỹ Hà cho biết.
Để thúc đẩy và đẩy mạnh hoạt động kết nối trong nước và khu vực, bên lề hội thảo Ban giám đốc SEAMEO CELLL cũng đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với 7 đơn vị (là các trường đại học, trung tâm đào tạo cung ứng nhân lực, Công ty…).
Hoạt động hợp tác này theo TS Lê Thị Mỹ Hà- Giám đốc trung tâm SEAMEO CELLL sẽ tạo ra cho trung tâm một hệ sinh thái đủ lớn, đủ rộng để thực hiện các mục tiêu chiến lược trong việc phát triển, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại