Ngày 17/10/2024 tại Trung tâm Phát triển Giáo dục phía Nam – Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 3 Công trường Quốc tế, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO CELLL phối hợp với Trung tâm phát triển Giáo dục phía Nam (TTPTGDĐTPN) và các chuyên gia của Công ty Cognotiv, Singapore tổ chức hội thảo “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào Quản trị tổ chức, Quản trị trường học và Dạy học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam”.
Cognotiv, đối tác chiến lược của SEAMEO CELLL, là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore và hiện tại đã mở rộng mạng lưới ra nhiều quốc gia Đông Nam Á. Công ty tập trung phát triển và cung cấp nền tảng trí tuệ nhân tạo cho các hoạt động tìm kiếm việc làm, nghiên cứu, đào tạo. Hội thảo lần này nằm trong lộ trình chung của SEAMEO CELLL và Cognotiv, theo Hợp đồng mà hai bên đã kí kết cách đây không lâu.
(Xem bài viết về thỏa thuận hợp tác giữa SEAMEO CELLL và Cognotiv tại đây)
Buổi Hội thảo đã thu hút gần 100 đại biểu khách mời. Tham dự có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thành viên Hội đồng quản trị Trung tâm SEAMEO CELLL đến từ các nước trong khu vực, các lãnh đạo phòng ban cán sự Đảng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), lãnh đạo các trường đại học, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức giáo dục trong nước, khu vực và quốc tế.
Mở đầu sự kiện là phần phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng chào mừng các vị đại biểu khách quý đến với buổi hội thảo quan trọng về chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, AI đang mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân loại và không còn là một lĩnh vực xa lạ. Như một lẽ tất nhiên, AI là một xu hướng toàn cầu, ở mọi nơi trên thế giới, con người sử dụng AI để tăng cường đổi mới, tinh gọn bộ máy tổ chức và nâng cao trải nghiệm học tập.
“Với vai trò là những nhà lãnh đạo ngành giáo dục, chúng tôi có trách nhiệm tìm tòi và thúc đẩy sự phát triển của AI nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người học, nhất là khi AI lại có thể mang lại rất nhiều lợi ích trong quản trị tổ chức và trường học” – Thứ trưởng nhận định trong phần phát biểu của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hi vọng Hội thảo sẽ có những bàn luận đi sâu vào khả năng ứng dụng AI, đồng thời đưa ra được giải pháp, cách thức để tích hợp AI hiệu quả.
Đại diện cho TTPTGDĐTPN, Ông Lê Thắng Lợi – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm bày tỏ trong bài phát biểu chào mừng rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn vươn mình, với một quyết tâm trở thành một quốc gia cường thịnh. Để đạt được mục tiêu to lớn trên, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhấn mạnh rằng con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Điều này càng làm nâng tầm quan trọng của việc làm cách mạng khoa học công nghệ, mà trong đó, AI đóng vai trò như một yếu tố cốt lõi. Ông Lợi tin rằng Hội thảo lần này góp phần tích cực vào những nội dung trên, đồng thời tăng cường sự hiểu biết, hợp tác và lan tỏa giá trị tốt đẹp.
Là đơn vị lên kế hoạch tổ chức, cũng như là đầu mối kết nối các bên để hội thảo được diễn ra, SEAMEO CELLL kì vọng rất nhiều về một kết quả thành công về mọi mặt. Thay mặt toàn thể cán bộ nhân viên, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà – Giám đốc Trung tâm cho biết trong những năm gần đây, việc tích hợp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào quản trị tổ chức và đặc biệt là trong giáo dục, đã trở thành một xu hướng với tiềm năng định hình lại quá trình quản lý tổ chức trường học và các quy trình học tập. ICT và AI mở ra những cơ hội chưa từng có để nâng cao kết quả hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phạm vi học tập vượt ra ngoài môi trường lớp học truyền thống.
Bà Lê Thị Mỹ Hà trích dẫn quan điểm của UNESCO về Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 4 (SDG 4): “Trí tuệ Nhân tạo (AI) có tiềm năng giải quyết một số thách thức lớn nhất trong giáo dục hiện nay, đổi mới các phương pháp giảng dạy và học tập, và đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG 4…”, qua đó, bà nhấn mạnh AI và ICT không chỉ đơn thuần là những công cụ hỗ trợ mà còn là động lực quan trọng trong việc tái định hình vai trò của nhà quản lý, giáo viên và học sinh trong môi trường làm việc, giáo dục hiện đại. Bằng cách ứng dụng những công nghệ này, các tổ chức, và cơ sở giáo dục có thể nâng cao hiệu quả quản lý tổ chức, quản trị trường học, tạo điều kiện cho các cấp quản lý và giảng viên, giáo viên tập trung hơn vào nhiệm vụ được giao.
Tiếp đó, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà có phần báo cáo đề dẫn “AI và tiềm năng ứng dụng trong quản trị tổ chức, trong hoạt động dạy học và trong các hoạt động của SEAMEO CELLL”. Trong phần báo cáo, bà Hà đề cập đến một trong những khả năng của AI là đơn giản hóa các quy trình quản lý tổ chức, quản trị trường học, giảm gánh nặng hành chính, và giải phóng thời gian quý báu cho đội ngũ quản lý, đặc biệt là giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy và tương tác với học sinh. Các nhiệm vụ như chấm điểm, theo dõi chuyên cần và lập lịch học có thể được tự động hóa, nhờ đó việc quản lý trường lớp hiệu quả hơn.
Hội thảo tiếp tục với phần trình bày của các báo cáo viên quốc tế – là các thành viên Hội đồng quản trị của SEAMEO CELLL đến từ Lào, Myanmar, Campuchia – lần lượt thuyết trình về thực trạng Ứng dụng AI trong giáo dục tại quốc gia của họ. Những góc nhìn mới về tình hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục tại các quốc gia trong khu vực đã được mở ra sau phần làm việc này tại sự kiện.
Nhóm chuyên gia đến từ Singapore của Cognotiv là những cá nhân xuất sắc trong chuyên môn, có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học máy tính,đặc biệt có những hiểu biết sâu rộng về AI. Phần nội dung “Ứng dụng AI vào quản trị tổ chức, quản trị trường học, vào giảng dạy và xu hướng ứng dụng AI trong tương lai” được chuẩn bị kĩ lưỡng, tỉ mỉ và phân chia rất khoa học thành các chuyên đề nhỏ, qua đó giúp người theo dõi có thể dung nạp dễ dàng hơn những mảng kiến thức còn khá mới.
Trước khi kết thúc phiên làm việc buổi sáng, chương trình Hội thảo còn kết hợp thêm Lễ Ký kết Bản ghi nhớ giữa SEAMEO CELLL, Cognotiv và 4 trường Đại học, Cao đẳng : Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Văn Lang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phiên làm việc buổi chiều tiếp tục với phần trình bày nội dung của các đại diện phía Cognotiv. Điểm đặc biệt của hội thảo là không có sự nhàm chán, đơn điệu hay khó hiểu bởi tính vĩ mô của vấn đề. Để đạt được điều này, cần phải nói đến sự khéo léo, tinh tế trong cách dẫn dắt bài giảng của nhóm chuyên gia Cognotiv, cùng với đó là những hoạt động nhóm, những câu chuyện thú vị, ví dụ dí dỏm và những trò chơi trực quan được lồng ghép vô cùng hợp lí.
Kế tiếp, các bài tham luận của một số đơn vị giáo dục trong nước và quốc tế đã được trình bày tại Hội thảo. Tất cả đều rất chuyên sâu, được đầu tư kĩ càng. Điều này thể hiện tinh thần tham gia hội thảo không chỉ được thể hiện qua số lượng đại biểu đến tham dự mà còn là những đóng góp chuyên môn rất đáng ghi nhận.
Hội thảo tiếp tục với phần hoạt động nhóm vô cùng sôi nổi, với sự tham gia của toàn bộ người theo dõi trong hội trường, trước khi diễn ra phần Tổng kết nội dung. Trong bài phát biểu bế mạc, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà bảy tỏ sự vui mừng với sự thành công của hội thảo, bà gửi lời cảm ơn chân thành tới các đại biểu đã quan tâm và sắp xếp thời gian tới tham gia sự kiện; tới các đối tác đã tin tưởng và nỗ lực phối hợp trong công tác chuẩn bị; và không quên nhắc tới những cố gắng không biết mệt mỏi của đội ngũ nhân viên. Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà mong muốn Trung tâm có thể tổ chức thêm nhiều sự kiện thành công như hội thảo lần này và có cơ hội được tiếp đón các chuyên gia, những vị khách quý đến với SEAMEO CELLL.