Skip links

SEAMEO CELLL tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Giáo dục và phát triển Học tập suốt đời”

Ngày 25 tháng 4 năm 2025, Trung tâm Khu vực về Học tập Suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO CELLL) đã tổ chức hội thảo chuyên đề với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục phát triển học tập suốt đời: Khái niệm và kỹ thuật” tại trụ sở Trung tâm SEAMEO CELLL. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm của SEAMEO CELLL nhằm cập nhật kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các chuyên gia, hướng tới việc khai thác hiệu quả và có trách nhiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Hội thảo có sự tham dự của gần 30 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo, nhà giáo dục, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các tổ chức đối tác và các cơ sở giáo dục. Về phía SEAMEO CELLL có TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm và toàn thể nhân viên. Hội thảo cũng đón nhận sự tham dự của đại biểu quốc tế đến từ SEAMEO RECSAM (Malaysia) và công ty COGNOTIV (Singapore). Về phía SEAMEO RECSAM có TS. Azman bin Jusoh, Giám đốc Trung tâm; bà Rashihah Binti Hj Othman, Phó Giám đốc phụ trách Hành chính; và bà Wong Lai Cheng, Trưởng phòng Truyền thông và Xuất bản. Về phía COGNOTIV có sự hiện diện của ông Mai Tze Woei, Giám đốc Công ty, cùng chuyên gia Tan Peng Yew Edmund. Các đại biểu Việt Nam gồm TS. Phạm Quang Huy, Hiệu trưởng cùng các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; bà Trần Thị Thu Hà, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp; bà Nhan Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai; ông Hồ Phú Bạc, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh; cùng đại diện từ Trường Đại học Cửu Long và tổ chức YEA Group.

25.4.1
Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Thị Mỹ Hà chào mừng tất cả đại biểu tham dự hội thảo đồng thời khẳng định vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) như một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Bà khẳng định vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) như một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ hiện đại để cải thiện hiệu quả quản trị nhà trường và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Theo TS. Mỹ Hà, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ kỹ thuật mà còn có thể làm thay đổi cách thức vận hành của giáo dục, từ việc quản lý nhà trường, phương pháp giảng dạy của giáo viên đến cách người học tiếp cận và tham gia vào quá trình học tập, góp phần tạo ra môi trường học tập linh hoạt, cá nhân hóa và công bằng hơn cho mọi đối tượng.

25.4.2
TS. Lê Thị Mỹ Hà phát biểu khai mạc

Nội dung hội thảo được triển khai qua bốn phiên làm việc, tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn: khái niệm và kỹ thuật ứng dụng AI trong giáo dục; các mô hình thực tiễn tại Việt Nam và khu vực; và các nguyên tắc đạo đức trong sử dụng AI.

Mở đầu chương trình, Thạc sĩ Khấu Hữu Phước, Trưởng phòng Nghiên cứu – Đào tạo SEAMEO CELLL, đã trình bày tổng quan về trí tuệ nhân tạo, các thế hệ phát triển của AI cũng như những ứng dụng thực tiễn hiện đang được triển khai rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bài trình bày không chỉ cung cấp cơ sở lý luận về khái niệm AI mà còn minh họa rõ nét những công cụ như ChatGPT, Copilot, Stable Diffusion… đang góp phần thay đổi cách thức dạy và học. Ông nhấn mạnh khả năng của AI trong việc hỗ trợ cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác giữa người học và nội dung đào tạo.

25.4.3
ThS. Khấu Hữu Phước trình bày tổng quan và ứng dụng thực tiễn trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy

Tiếp theo, ông Mai Tze Woei, Giám đốc COGNOTIV Singapore, đã chia sẻ về các ứng dụng AI trong đánh giá giáo dục và tư vấn định hướng nghề nghiệp. Ông phân tích sự khác biệt giữa công nghệ truyền thống và AI, giới thiệu các mô hình do COGNOTIV xây dựng, nhằm hỗ trợ quản lý chỉ số năng lực, phân tích khoảng cách kỹ năng và thiết kế lộ trình phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập bền vững, kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số.

25.4.4
Ông Mai Tze Woei giới thiệu mô hình AI trong học tập và hướng nghiệp

Phiên thảo luận thứ ba tập trung vào các kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ sở giáo dục và địa phương tại Việt Nam. Bà Nhan Thị Hằng Nga giới thiệu mô hình ứng dụng AI tại các Trung tâm Học tập Cộng đồng, đặc biệt trong công tác xóa mù chữ và đào tạo kỹ năng canh tác bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiến sĩ Phạm Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, chia sẻ những sáng kiến chuyển đổi số tại đơn vị, với các giải pháp cá nhân hóa nội dung giảng dạy, ứng dụng thực tế ảo và hệ thống trợ lý ảo. Bổ sung cho các chia sẻ trên, TS. Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và hệ thống số hóa trong đảm bảo chất lượng đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trường nghề thông minh phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Chủ đề về đạo đức và trách nhiệm trong ứng dụng AI được bà Wong Lai Cheng trình bày. Bà nhấn mạnh yêu cầu minh bạch thuật toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bằng trong tiếp cận công nghệ, đồng thời cảnh báo các rủi ro khi AI bị lạm dụng hoặc vận hành thiếu kiểm soát. Các nguyên tắc đạo đức trong thiết kế và vận hành AI được xác định là điều kiện tiên quyết để công nghệ phục vụ lợi ích của người học và cộng đồng.

25.4.5
Bà Wong Lai Cheng trình bày các nguyên tắc đạo đức trong ứng dụng AI

Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội thảo, SEAMEO CELLL đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với SEAMEO RECSAM và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. Các thỏa thuận này đặt nền tảng cho việc triển khai các sáng kiến chung về đào tạo, chuyển giao công nghệ, và phát triển năng lực đội ngũ giáo dục trong khu vực.

25.4.6
Giám đốc SEAMEO CELLL và SEAMEO RECSAM ký kết hợp tác
25.4.7
TS. Lê Thị Mỹ Hà và TS. Phạm Quang Huy đại diện 2 đơn vị ký kết hợp tác

Hội thảo kết thúc bằng hoạt động chụp ảnh lưu niệm và tiệc trưa thân mật, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác vì mục tiêu đổi mới giáo dục và xây dựng xã hội học tập bền vững, sáng tạo.

25.4.8
Toàn thể đại biểu tham dự buổi Hội thảo chuyên đề

Tin tức xem nhiều

Bài viết cùng chủ đề

Không có bài viết nào