Từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 8 năm 2024, SEAMEO CELLL đã thực hiện chuyến thăm và học tập tại 5 trung tâm học tập cộng đồng Nhật Bản và Sở Giáo dục thành phố Okayama để tìm hiểu về mô hình học tập thành công này. Chuyến đi được thực hiện nhờ sự hỗ trợ sắp xếp chu đáo của Giáo sư Oyasu Kiichi, Giám đốc Ban Hợp tác Giáo dục, Trung tâm Văn hóa Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO (ACCU).
Kominkan, hay trung tâm học tập cộng đồng Nhật Bản là trung tâm học tập dựa vào nền tảng cộng đồng được thành lập để phục vụ nhu cầu học tập của người dân địa phương. Hơn thế nữa, những trung tâm này là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, hội họp xã hội. Bắt đầu sau Thế chiến thứ 2, Kominkan nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới rộng khắp với 36.406 Kominkan vào năm 1955 phục vụ cho phát triển cộng đồng, tương tác xã hội, nâng cao nhận thức văn hóa và giáo dục người lớn.
Đoàn công tác SEAMEO CELLL gồm có ông Khấu Hữu Phước, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đào tạo làm trưởng đoàn; ông Phan Anh Minh, Chuyên viên phòng Nghiên cứu và Đào tạo; bà Nguyễn Thị Hải, ông Nguyễn Minh Chuyên là các chuyên viên học thuật; bà Lê Lan Hương Quản lý Hành chính và cô Mai Ngọc Lan, chuyên gia giáo dục đến từ đối tác của SEAMEO CELLL.
Trong ngày làm việc đầu tiên, đoàn đã được Sở Giáo dục Thành phố Okayama và Văn phòng Tòa thị chính đón tiếp nồng nhiệt. Cả hai bên tham gia trao đổi thông tin về các trung tâm học tập trên nền tảng cộng đồng ở quốc gia của mình. Mặc dù hai mô hình này có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn có một số đặc điểm riêng biệt. Cụ thể, Kominkan có chức năng chính là địa điểm học tập nhưng chính việc “kết nối mọi người” thông qua các hoạt động rất đời thường, rất gần gũi cuộc sống mới là nét độc đáo của mô hình này. Ý thức cộng đồng mạnh mẽ là điểm nổi bật trong mọi hoạt động của Kominkan. Ngoài ra, Kominkan còn nhận được phần lớn hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương và thành phố (1,5 tỷ yên từ Thành phố Okayama), và Kominkan có mặt ở tất cả 37 học khu của thành phố. Một điểm thú vị khác là phần lớn những người tham gia Kominkan là người lớn tuổi. Họ đến các lớp học để theo đuổi các sở thích như nấu ăn, thư pháp, mỹ thuật và khiêu vũ. Kominkan, thư viện, và bảo tàng là ba loại hình cơ sở giáo dục xã hội ở Nhật Bản; trong đó Kominkan có số lượng lớn nhất.
Đoàn sau đó di chuyển đến Saidaiji Kominkan. Tại đây, Giám đốc kiêm Quản lý Chương trình của Kominkan chia sẻ, “Kominkan là trung tâm kết nối người dân, cả thanh niên, trung niên và người già sống trong khu vực. Kominkan là ngôi nhà thứ hai của họ, nơi các thế hệ tương tác với nhau”.
Tại Saidaiji Kominkan, các chương trình miễn phí với nhiều chủ đề khác nhau được tổ chức hàng năm, một số do chính Kominkan thực hiện, một số khác thông qua sự hợp tác với các trường học hoặc tổ chức trong quận. Một trong những hoạt động có sự kết hợp giữa trường học và Kominkan như vậy là Ogami, nơi trẻ em và người lớn địa phương cùng nhau đến trường, trẻ em đóng vai giáo viên và người lớn làm người học và ngược lại. Mục đích là giúp trẻ làm quen và kết nối với những người khác nhau trong cộng đồng, khuyến khích những người lớn chưa tham gia các hoạt động cộng đồng hòa nhập và cuối cùng là thắt chặt sự gắn kết cộng đồng.
Saidaiji Kominkan hoạt động dưới sự quản lý của Sở giáo dục thành phố và đồng thời hỗ trợ công việc của Tòa thị chính trong việc đưa ra các chính sách phù hợp. Mục đích của Kominkan là hỗ trợ các hoạt động hàng ngày và phúc lợi của người dân địa phương. Các chương trình được cung cấp theo mười hạng mục, được nhân viên chương trình thiết kế với sự tham vấn của các đại diện cộng đồng. Kominkan cũng cung cấp phòng học cho các nhóm học tập tự lập để học các kỹ năng cụ thể.
Ngày hôm sau, đoàn đến thăm Kyoyama Kominkan. Trung tâm được thành lập vào năm 1994 nhằm thúc đẩy và thực hiện giáo dục vì sự phát triển bền vững cho các tổ chức khác. Trung tâm cũng thúc đẩy các nghiên cứu và nâng cao nhận thức về sự thay đổi khí hậu, hệ sinh thái của khu vực địa phương.
Năm 2023, Kominkan đã cung cấp 28 chương trình miễn phí và tổ chức 73 hoạt động câu lạc bộ, thu hút 41.000 lượt tham gia. Với dân số 24.000 người của Quận Kyoyama, mức độ tham gia này thật đáng chú ý. Các hoạt động như sự kiện ca múa nhạc, dự án nông nghiệp, gặp gỡ tình nguyện viên đặc biệt được ưa chuộng, thu hút sự tham gia và tán thưởng rộng rãi của cộng đồng. Những sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy bảo vệ môi trường, thực hành phát triển bền vững và bảo tồn đời sống văn hóa địa phương. Đơn cử một câu lạc bộ văn hóa của Saidaiji Kominkan tổ chức các hoạt động truyền thống, trong đó có dự án lập bản đồ di sản. Sáng kiến này khuyến khích người dân địa phương khám phá địa phương nơi mình ở, xác định cả di sản vật thể và phi vật thể, và ghi lại những điều này trên một bản đồ cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và lịch sử địa phương. Saidaiji Kominkan cũng hợp tác với các tổ chức khác để khôi phục đời sống văn hóa và nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề kinh tế xã hội.
Giống như các Kominkan khác ở Nhật Bản, cộng đồng địa phương có rất nhiều đóng góp tình nguyện. Ví dụ, một chuyên gia địa phương cung cấp một lớp học nấu ăn đặc biệt dạy cách nấu ăn cho trẻ em khó ăn hoặc một người dân nhiệt tình đã thành lập một câu lạc bộ giao tiếp cung cấp các bài học tiếng Nhật và tư vấn văn hóa cho cộng đồng người nước ngoài trong khu vực.
Buổi chiều, đoàn đến làm việc tại Koki Kominkan. Tại đây, SEAMEO CELLL là bên cung cấp thông tin cho một nhóm lãnh đạo và quan chức từ các Kominkan khác nhau ở Okayama thay vì là người phỏng vấn như ở các địa điểm trước. Ông Phước trình bày về cơ cấu quản lý, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam và mô hình này mang lại lợi ích như thế nào cho người dân địa phương.
Ngày hôm sau, đoàn đã đến thăm và làm việc với Nadeshiko Kominkan, được thành lập năm 1985 tại thành phố Hiratsuka. Đoàn được Thị trưởng thành phố đón tiếp nồng nhiệt. Trong bài phát biểu chào mừng, ông lưu ý rằng đây là một trong 26 Kominkan trong thành phố có 750.000 lượt học viên lui tới hàng năm và có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức phúc lợi. Ông giải thích rằng thành phố có một Kominkan trung tâm và mỗi khu học chánh trong số 25 khu của thành phố đều có một Kominkan, phục vụ khoảng 10.000 cư dân. Mỗi tháng một lần, đại diện 26 nhóm địa phương tập trung tại Kominkan để chia sẻ thông tin, thảo luận các vấn đề địa phương và tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân.
Chuyên gia giáo dục xã hội của Nadeshiko Kominkan sau đó đã cung cấp thêm thông tin về các chương trình và hoạt động của trung tâm. Ông nhấn mạnh rằng tinh thần cộng đồng là thành công then chốt của trung tâm, minh họa bằng việc sau đó dẫn đoàn đi xem vườn hoa do học sinh, người lớn cùng với các nhân viên Kominkan cùng vun đắp trên một mảnh đất. Tổng cộng có 4.000 bông hoa đã được trồng và mỗi năm khu vườn Kominkan trở thành một địa điểm thu hút mọi người đến chiêm ngưỡng những bông hoa xinh đẹp cũng như chụp ảnh giữa những luống hoa. Ông nhấn mạnh hoạt động này bồi đắp tình yêu quê hương của mỗi người.
Kominkan cuối cùng mà đoàn ghé thăm là Tsuchiya Kominkan ở quận Tsuchiya, cách trung tâm thành phố Hiratsuka khoảng 10km về phía tây. Được thành lập vào năm 1968, Tsuchiya Kominkan là một trong những trung tâm học tập cộng đồng lâu đời của đất nước. Các chương trình của trung tâm được phân loại thành các hoạt động dành cho sinh viên, công dân và cuộc sống gia đình. Vì quận Tsuchiya là một thung lũng giữa những ngọn đồi và làng mạc nên mục tiêu chính của chính quyền địa phương và Kominkan là thu hút những người trẻ tuổi đến định cư trong khu vực. Để đạt được điều này, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức để nâng cao hình ảnh của quận. Một sáng kiến tiêu biểu là Dự án trồng hoa cúc với kết quả là cuộc triển lãm hàng năm vào tháng 11, thu hút khách du lịch và thể hiện lối sống gắn bó của cộng đồng.
Tsuchiya Kominkan cũng có rất nhiều hoạt động khác và học tập thú vị thu hút sự tham gia người dân địa phương. Có thể kể đến cuộc thi Tanabata, Cuộc thi kể chuyện, Sự kiện ngắm sao và cung thiên văn vào mùa thu, và thậm chí cả hội thảo mang tên “Hãy cùng vui tìm hiểu về huyết áp”. Kominkan phát triển mạnh các chương trình đáp ứng mọi nhu cầu học tập của địa phương, bao gồm cả các nhu cầu rất “thường” như “lớp học thay mặt vợt bóng bàn” chỉ cho một học viên là người lớn.
Trong thời gian ở Nhật Bản, đoàn cũng đã đến thăm Đại học Tsukuba, một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản và là trường đại học công lập đầu tiên của Nhật Bản có chi nhánh ở nước ngoài. Trường tự hào đã đoạt 3 giải Nobel (2 Vật lý và 1 Hóa học), cùng 115 huy chương Olympic và được xếp hạng số 1 trong Bảng xếp hạng Tác động năm 2021 của Times Higher Education. Tiến sĩ Nakao P. Normura, Giám đốc tuyển sinh quốc tế, Trung tâm tuyển sinh của trường đại học, đã giới thiệu về trường, nhấn mạnh rằng trường hiện cung cấp hơn 40 chương trình cấp bằng và nhiều chương trình hiện được cung cấp với mức phí phải chăng bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của sinh viên quốc tế, và trung bình hàng năm có 2.500 sinh viên quốc tế từ 116 quốc gia theo học tại Đại học Tsukuba. Trường đưa ra những chính sách có lợi cho những sinh viên này như dạy kèm riêng, khám sức khỏe, hỗ trợ ký túc xá và giảm học phí.