Từ ngày 21 đến 22 tháng 11 năm 2024, DVV International – cơ quan Hợp tác Quốc tế của Hiệp hội các Trung tâm Giáo dục Người lớn tại Đức, đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về Học tập suốt đời: Chính sách và Thực tiễn tốt nhất (Policies and Best Practices) tại Khách sạn Settha Palace, Viêng Chăn, Lào.
Hội nghị quy tụ 80 đại biểu Lào và quốc tế, bao gồm các quan chức chính phủ, chuyên gia giáo dục và nhà giáo dục từ Lào, Viện Học tập suốt đời của UNESCO, Văn phòng khu vực của UNESCO tại Bangkok, Trung tâm Học tập suốt đời SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO CELLL), Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, và Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Người lớn Châu Á -Nam Thái Bình Dương (ASPBAE). Sự kiện này là sự tiếp nối của một nghiên cứu xuyên quốc gia trước đây của DVV International về giáo dục và học tập dành cho người lớn vào năm 2019, lần này mở rộng chủ đề nghiên cứu ra học tập suốt đời trên toàn khu vực. Ông Khấu Hữu Phước và ông Phan Anh Minh, SEAMEO CELLL, đang tiến hành nghiên cứu cho dự án tại Việt Nam.
Lễ khai mạc có bài phát biểu của PGS.TS Phout Simmalavong, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào và ông Christoph Jost, Giám đốc khu vực của DVV International. Tiến sĩ Phout nhấn mạnh cam kết của Lào về học tập suốt đời, nhấn mạnh Nghị định gần đây của chính phủ về Học tập suốt đời được xây dựng và ban hành nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và phát triển kỹ năng cho cả thanh niên và người lớn.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, ông Uwe Gartenschlaeger, nguyên Giám đốc Văn phòng DVV International Khu vực Đông Nam Á tại Lào đã nêu lên mối quan ngại về nhiều thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Sau đó, ông nhắc lại các thông điệp chính từ Khung hành động Marrakech (MFA)– kết quả của Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Giáo dục và Học tập cho người lớn — đồng thời nhấn mạnh MFA như một lộ trình để giải quyết những vấn đề này.
Ông Christoph Jost đã giới thiệu dự án nghiên cứu đa quốc gia của DVV International với sự tham gia của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ông chia sẻ rằng học tập suốt đời đã có đà phát triển ở nhiều quốc gia trên toàn cầu và các chính sách, chiến lược, luật, nghị định và khuôn khổ khác đã được áp dụng trong thời gian qua. Ông nói thêm rằng các nhóm và các nền tảng liên quan học tập suốt đời ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế đã được thành lập. Ông đặt ra những câu hỏi quan trọng về việc chuyển đổi từ chính sách sang thực thi hiệu quả thông qua việc thể chế hóa, xây dựng năng lực và thực tiễn học tập dựa vào cộng đồng.
Bài thuyết trình của các quốc gia về Chính sách và Thực tiễn tốt nhất
Bà Philany Phissamay, Quyền Giám đốc, Vụ Giáo dục Không chính quy, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định của chính phủ về Học tập suốt đời, nhằm mục đích mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục ngoài khuôn khổ học tập chính quy truyền thống, tạo cơ hội cho cả thanh niên và người lớn tiếp thu những kỹ năng và kiến thức mới, dẫn đến nâng cao nguồn lực về con người.
Ông Souksakhone Sengsouliya tiếp tục trường hợp của Lào qua bài trình bày về các lộ trình khác nhau (giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy) để tiến tới thị trường việc làm và giáo dục đại học. Ông đã trình bày chi tiết ba phương pháp học tập suốt đời tốt nhất trong nước: Tích hợp học tập suốt đời vào chương trình giáo dục chính quy; Xây dựng năng lực về học tập suốt đời; Thừa nhận học tập suốt đời như một chương trình nghị sự quốc gia.
Đại diện cho Campuchia, Tiến sĩ Dy Sam Sideth, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Học tập suốt đời và Phó Tổng Giám đốc Giáo dục, Campuchia, đã nêu tóm tắt về những tiến bộ của đất nước mình, đồng thời lưu ý rằng mọi công dân Campuchia đều có quyền hiến pháp được học tập miễn phí 9 năm trong các trường công lập. Để hiện thực hóa quyền này và để đạt được SDG4, Nhà nước đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Học tập suốt đời.
Tiến sĩ Sok Soth, Khoa Giáo dục, Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, đã trình bày chi tiết về một số Thực tiễn tốt nhất ở Campuchia, bao gồm Chương trình Tương đương Giáo dục Cơ bản; 1.5 triệu Thanh niên – chương trình cung cấp và đào tạo nghề và kỹ thuật miễn phí cho khoảng 1.5 triệu thanh niên thuộc các hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước và Chương trình xóa mù chữ tại nhà máy để trang bị cho người lao động trong ngành may mặc, đặc biệt là phụ nữ, kiến thức chức năng cơ bản và phát triển kỹ năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể và tính bền vững của ngành.
Tiến sĩ Suwithida Charungkaittikul, Khoa Giáo dục suốt đời, thuộc Viện Giáo dục, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, nhắc đến lịch sử lâu đời của giáo dục suốt đời và quá trình phát triển học tập suốt đời ở Thái Lan, chính thức bắt đầu từ năm 1939. Bà nhấn mạnh Hiến pháp năm 1997 đặt nền móng cho việc tích hợp học tập suốt đời trong khuôn khổ giáo dục quốc dân, đảm bảo rằng giáo dục có thể tiếp cận và mang lại lợi ích cho mọi công dân trong suốt cuộc đời của họ. Gần đây nhất, vào năm 2023, Thái Lan đã ban hành Đạo luật Khuyến khích Học tập, trong đó quy định ba hình thức khuyến khích học tập: học tập suốt đời, học tập để phát triển bản thân và học tập để nâng cao trình độ theo cấp bậc.
PGS.TS Wirathep Pathumcharoenwattana, đại diện cho nhóm nghiên cứu Thái Lan cho dự án nói trên, đã trình bày về nhiều phương pháp học tập suốt đời hiệu quả, trong đó có Quỹ Giáo dục Công bằng, ưu tiên các nhu cầu và nguồn lực của địa phương, đồng thời cho phép các lựa chọn học tập linh hoạt, bao gồm cả học tập trên thiết bị di động.
Về phía Việt Nam, ông Khấu Hữu Phước, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đào tạo, Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời của tổ chức SEAMEO tại Việt Nam, trình bày về chính sách phát triển ở Việt Nam. Ông đã chỉ ra cơ cấu quản trị tại Việt Nam, xác định rõ Hiến pháp là văn bản lập pháp cao nhất, nhưng nói thêm rằng Đảng Cộng sản cung cấp các hướng dẫn mang tính chủ đạo bao quát hàng đầu. Ông minh hoạ điều này bằng việc giải thích Nghị quyết 29 của Đảng về cải cách căn bản và toàn diện giáo dục được được phản ánh trong mọi chính sách ở các cấp trung ương và địa phương như thế nào.
Trong phần trình bày về những thực tiễn tốt nhất, ông Phước đã trình bày chi tiết về mô hình tam giác trong quản lý trung tâm học tập cộng đồng. Trong mô hình này, đỉnh tam giác là giám đốc trung tâm học tập cộng đồng đồng thời là người đứng đầu chính quyền địa phương nên có thể điều chỉnh các chương trình của trung tâm theo chỉ đạo của chính quyền trung ương; góc dưới bên trái có Phó Giám đốc thứ nhất là lãnh đạo Chi hội khuyến học Việt Nam ở địa phương, có thế mạnh về gây quỹ; góc dưới bên phải có Phó giám đốc thứ hai là hiệu trưởng nhà trường, phụ trách chương trình học thuật của trung tâm. Ông cũng minh hoạ và diễn giải về một trung tâm học tập cộng đồng điển hình ở tỉnh Hoà Bình, có hoạt động hiệu quả trong việc thu hút các nhóm có cùng sở thích, hoặc nghề hiện có trong cộng đồng, lập câu lạc bộ thuộc trung tâm để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều người hơn.
Đóng góp từ các đối tác quốc tế
Hội nghị được hưởng lợi rất nhiều từ ASPBAE với báo cáo về chương trình Đào tạo Giảng viên tại Lào, do Bà Anita Borkar, Chuyên gia tư vấn, Xây dựng Năng lực và Tăng cường Thể chế, ASPBAE trình bày; Lời kêu gọi Hành động Học tập suốt đời và Giáo dục người lớn cho sự thay đổi nhằm hỗ trợ một xã hội học tập hiện đại của Helen Dabu, Tổng thư ký, ASPBAE; báo cáo về sáng kiến Học lớn của UNESCO Bangkok của Ông Papol Dhutikraikriang; báo cáo về hoạt động thúc đẩy học tập suốt đời tại Campuchia của DVV International bởi Vanna Peou, Giám đốc quốc gia DVV International tại Campuchia; Quan điểm toàn cầu về chuyên nghiệp hóa giáo dục dành cho người lớn và giáo dục không chính quy trong học tập suốt đời của Giáo sư Tiến sĩ đa ngành Heribert Hinzen, Nguyên Giám đốc Trụ sở chính và Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của DVV International.
Lễ kỷ niệm cột mốc quan trọng
Hội nghị này không chỉ có ý nghĩa lớn về khía cạnh học thuật. Đây cũng là dịp kỷ niệm 15 năm văn phòng DVV International Khu vực được thành lập tại Lào, một cột mốc quan trọng trong hành trình thúc đẩy giáo dục và học tập dành cho người lớn của DVV International ở Đông Nam Á – môt chặng đường thành công được thực hiện bởi các giám đốc của tổ chức, Giáo sư Heribert Hinzen, ông Uwe Gartenschlaeger, Tiến sĩ Johann Heilmann và hiện là ông Christoph Jost.