Trong hai ngày 13 và 14 tháng 3 năm 2025, Ban Thư ký SEAMEO đã tổ chức Hội thảo xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách và xuất bản dành cho các nhà nghiên cứu đến từ 25 trung tâm và mạng lưới của SEAMEO. Đoàn đại biểu của SEAMEO CELLL tham dự hội thảo gồm ông Khâu Hữu Phước, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đào tạo, và bà Lê Lan Hương, Chuyên viên Văn phòng. Hội thảo hướng tới trang bị cho các đại biểu những công cụ tiên tiến nhất trong nghiên cứu chính sách, xây dựng đề xuất tài trợ và phổ biến kết quả nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này.
Hội thảo được khai mạc bởi ông John Arnold Sasi Sienna, Phó Giám đốc Chương trình và Phát triển, Ban Thư ký SEAMEO. Trong bài phát biểu khai mạc, ông nhấn mạnh sự kiện này nằm trong khuôn khổ hành động của SEAMEO, đồng thời đề cao tính cấp thiết của việc cập nhật các kỹ năng nghiên cứu chính sách trước sự phát triển nhanh chóng của AI. Ông cũng trân trọng cảm ơn sự đóng góp của các đối tác, bao gồm ASEAN-UK SAGE, UK International Development, Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Úc (ACER), EdTech Hub và Hội đồng Anh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên SEAMEO. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng những kết quả của hội thảo sẽ đóng góp vào các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mạng lưới Nghiên cứu Chính sách Trung tâm (CPRN) sắp tới, do SEAMEO VOCTECH tổ chức tại Brunei vào tháng 6 năm 2025.
Ông Craig Farmer, Trưởng nhóm ASEAN-UK SAGE, tiếp nối phần khai mạc với bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác. Trong bài phát biểu, ông đề cập đến những nỗ lực của ASEAN-UK SAGE trong việc xóa bỏ rào cản giới trong giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách có ý nghĩa và thực tiễn.
Ngày thứ nhất: Kỹ năng nghiên cứu và viết học thuật
Phiên đầu tiên do Tiến sĩ Ewan Macrae từ Hội đồng Anh chủ trì, tập trung vào kỹ năng viết học thuật. Trong buổi này, ông đã tổ chức một bài tập tương tác nhằm làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng từ khóa phù hợp và tuân thủ các quy tắc của tiếng Anh học thuật – vốn yêu cầu sự trang trọng, cấu trúc chặt chẽ và diễn đạt chính xác. Tiến sĩ Macrae cũng lưu ý rằng những đề xuất dự án thiếu tính chuyên nghiệp và chuyên môn, chẳng hạn như không sử dụng từ khóa trọng yếu, có nguy cơ cao bị các nhà tài trợ tiềm năng từ chối.
Sau đó, Tiến sĩ Anna Dabrowski và Tiến sĩ Tim Friedman đã đi sâu vào các phương pháp nghiên cứu, so sánh hai cách tiếp cận định lượng và định tính. Phương pháp nghiên cứu định lượng mang tính diễn dịch và khách quan, sử dụng số liệu để xác định mô hình hoặc kiểm định giả thuyết. Trong khi đó, phương pháp định tính có tính quy nạp và chủ quan, khai thác quan điểm và trải nghiệm thông qua các cuộc khảo sát, phỏng vấn. Các diễn giả cũng chỉ ra lợi ích của nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng nhưng cũng lưu ý về những thách thức liên quan đến thời gian và chi phí. Cuối cùng, họ giới thiệu mô hình FINER – một công cụ hữu ích để xây dựng câu hỏi nghiên cứu chặt chẽ và hiệu quả, cụ thể là:
- Tính khả thi (Feasible) – Đảm bảo câu hỏi nghiên cứu có thể trả lời được.
- Tính thú vị (Interesting) – Chủ đề nghiên cứu cần thu hút sự quan tâm.
- Tính mới mẻ (Novel) – Nghiên cứu phải mang lại những góc nhìn hoặc phát hiện mới.
- Tính đạo đức (Ethical) – Quá trình thu thập và báo cáo dữ liệu phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
- Tính liên quan (Relevant) – Nghiên cứu cần đáp ứng các nhu cầu chính sách của quốc gia mục tiêu.
Buổi chiều cùng ngày, bà Nimra Afzal và bà Jazzlyne Gunawan từ EdTech Hub đã trình bày về các kỹ thuật phân tích dữ liệu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các công cụ nghiên cứu phù hợp với bối cảnh. Họ đề cập đến kỹ thuật thảo luận nhóm trọng tâm, giúp thu thập dữ liệu chuyên sâu từ nhiều góc nhìn khác nhau; khảo sát, mang lại hiệu quả cao về chi phí và tốc độ; và quan sát có cấu trúc, đảm bảo thu thập dữ liệu một cách khách quan và đáng tin cậy.
Tiếp theo, Tiến sĩ Tim Friedman đã dẫn dắt một phiên thảo luận về cách tránh trùng lặp trong nghiên cứu, khuyến khích các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng công trình của họ mang lại góc nhìn mới. Ông nhấn mạnh rằng các tổ chức tài trợ thường ưu tiên những nghiên cứu mới, thay vì lặp lại những công trình đã có trước đó. Tránh trùng lặp không chỉ giúp nâng cao uy tín của nhà nghiên cứu mà còn giúp họ tạo dấu ấn riêng, đồng thời làm cho kết quả nghiên cứu có giá trị hơn trong việc tác động đến các hệ thống chính sách. Tiến sĩ Friedman khuyến nghị sử dụng các công cụ AI và nền tảng tổng quan hệ thống như Covidence, ResearchRabbit và Connected Papers để xác định khoảng trống trong nghiên cứu và ngăn chặn trùng lặp. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của yếu tố con người khi sử dụng AI để hỗ trợ lên ý tưởng, vì AI vẫn có thể mắc sai sót.
Ngày thứ hai: Viết đề xuất tài trợ và Xây dựng mạng lưới
Ngày thứ hai tập trung vào ba yếu tố cốt lõi giúp nâng cao chất lượng đề xuất nghiên cứu. Nghiên cứu cần:
- Thể hiện tác động tiềm năng mạnh mẽ đối với kinh tế, xã hội, môi trường hoặc văn hóa để tác động đến các quyết định chính sách.
- Lồng ghép các yếu tố về Bình đẳng giới, Người khuyết tật và Hòa nhập xã hội (viết tắt tiếng Anh: GEDSI), những yếu tố ngày càng được ưu tiên trong tài trợ nghiên cứu.
- Định hướng đề xuất theo các mục tiêu phát triển khu vực, như Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc và Bảy lĩnh vực ưu tiên của SEAMEO, nhằm phù hợp với định hướng tài trợ của các tổ chức.
Nhóm ACER nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tác động, bởi điều này có thể thay đổi nhận thức của các bên liên quan mà họ hợp tác, bao gồm các bộ, ban ngành và cơ quan chính phủ. Họ cũng lưu ý rằng một trong những trọng tâm hiện nay của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, do đó, những nghiên cứu về các nhóm này có khả năng nhận được sự hỗ trợ cao hơn. Nhóm ACER khuyến khích các nhà nghiên cứu nâng cao nhận thức về các vấn đề quan trọng thông qua các nghiên cứu chuyên sâu có định hướng rõ ràng, từ đó tạo ra những tác động rõ nét hơn đối với kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. “Hãy đảm bảo rằng công việc chúng ta đang làm có giá trị thực tiễn,” Tiến sĩ Tim Friedman nhấn mạnh
Trong phiên thảo luận về viết đề xuất tài trợ, Tiến sĩ Ewan Macrae nhấn mạnh rằng các nhà nghiên cứu cần định vị đúng vai trò của mình trong bối cảnh vấn đề và tự tin khẳng định chuyên môn để nâng cao uy tín. Ông nhấn mạnh: “Đừng quá khiêm tốn, nếu không, người khác sẽ nhận mình có kinh nghiệm hơn và giành được sự chấp thuận từ nhà tài trợ.” Ông cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu khi viết đề xuất cần đặt mình vào góc nhìn của người đọc và quan tâm đến lĩnh vực mà họ quan tâm, từ đó điều chỉnh phong cách và mục tiêu bài viết sao cho phù hợp.
Tiếp đó, nhóm EdTech Hub đã trình bày về các cơ hội kết nối mạng lưới với các trung tâm SEAMEO, đề xuất các hình thức hợp tác tiềm năng như đánh giá tài liệu, tư vấn chuyên môn ngắn hạn, diễn thuyết khách mời, đồng phát triển tài liệu chiến lược, điều phối hội thảo và đánh giá chương trình.
Hội thảo đã lồng ghép nhiều hoạt động thảo luận và thực hành, khuyến khích các đại biểu vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn. Thông qua các phiên làm việc nhóm sôi nổi, các đại biểu đã tham gia vào những cuộc thảo luận chuyên sâu và đề xuất các cách tiếp cận đổi mới trong nghiên cứu và thực thi chính sách, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của họ.
Hội thảo khép lại với phần phát biểu của ông Sienna, bày tỏ sự hài lòng về thành công của chương trình. Ông nhấn mạnh rằng các kỹ thuật được học sẽ giúp các đại biểu nâng cao chất lượng nghiên cứu chính sách và viết đề xuất nghiên cứu tại quốc gia của mình. Ông cũng gợi mở về các hội thảo trong tương lai với những chủ đề mới, tiếp nối nền tảng đã được xây dựng từ sự kiện lần này.
Hội thảo xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách lần này là một phần trong những nỗ lực không ngừng của SEAMEO nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách trong khu vực Đông Nam Á. Với trọng tâm là hợp tác, đổi mới và nghiên cứu có tác động, sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển chính sách khu vực và tăng cường năng lực xuất bản nghiên cứu.