Skip links

SEAMEO CELLL tham gia tập huấn nghiên cứu chính sách và phổ biến kết quả nghiên cứu

Trong hai ngày 27-28 tháng 3 năm 2024, SEAMEO đã tổ chức tập huấn về quy trình nghiên cứu chính sách và phổ biến kết quả nghiên cứu.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 40 chuyên gia đến từ 26 Trung tâm và Mạng lưới SEAMEO. Các diễn giả đến từ Ban Thư ký SEA-PLM (Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh Tiểu học khu vực Đông Nam Á), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc). SEAMEO CELLL cử ông Khấu Hữu Phước, Trưởng phòng Nghiên cứu-Đào tạo tham gia sự kiện.

Chương trình hai ngày bao gồm hai khía cạnh của nghiên cứu chính sách. Trong ngày đầu tiên, các thảo luận được tập trung vào phương pháp và quy trình nghiên cứu chính sách, trong khi ngày thứ hai tập trung vào cung cấp các kỹ thuật hiệu quả để viết bản tóm tắt chính sách.

Ông John Sienna, Phó Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO, khai mạc tập huấn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu chính sách để phát triển giáo dục và vai trò của SEAMEO trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á. Trong vai trò là tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm tăng cường hiểu biết và hợp tác khu vực về giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn, SEAMEO tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển ở khu vực Đông Nam Á phục vụ cho sứ mệnh này.

12024 04 02 14.28.00
Ông John Sienna khai mạc tập huấn

Ông Amiljohn Sentillas, Chuyên gia Kế hoạch và Chính sách của SEAMES, “làm nóng” hội thảo bằng một bài tập khởi động hào hứng liên quan khái niệm nghiên cứu chính sách. Ông định nghĩa nghiên cứu chính sách là quá trình tiến hành nghiên cứu hoặc phân tích một vấn đề xã hội cơ bản nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những khuyến nghị định hướng hành động thực tế giúp giảm nhẹ vấn đề. Ông trình bày ngắn gọn về bốn yếu tố cần cân nhắc khi nghiên cứu chính sách, đó là tốc độ, phương pháp nghiên cứu, văn phong-đối tượng đọc, và biến những phát hiện đó thành các khuyến nghị thuyết phục.

Ông Jose Manuel Torres Soza, Cán bộ Nghiên cứu Giáo dục của OECD, tiếp tục chương trình với phần trình bày về chiến lược chính sách. Đầu tiên ông giới thiệu OECD là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một nền tảng chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia và giúp các chính phủ đưa ra các quyết định chính sách sáng suốt cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững thông qua nhiều nghiên cứu và khuyến nghị. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của bằng chứng trong quá trình nghiên cứu chính sách, và cho thí dụ minh hoạ từ trang web Các lĩnh vực nghiên cứu quan tâm (ARI) của Vương quốc Anh và Ủy ban công Na Uy.

22024 04 02 14.28.21
Ông Jose Manuel Torres Soza giới thiệu tổ chức OECD

Phiên làm việc sáng kết thúc với lời phát biểu cảm ơn của TS. Habibah Abdul Rahim, Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO. Bà ghi nhận sự đóng góp đáng kể của Chương trình Hỗ trợ Thúc đẩy Giáo dục Trẻ em gái ASEAN-Anh (SAGE), cũng như hỗ trợ kỹ thuật, nội dung của OECD, UNESCO. Trước những thách thức đối với giáo dục trong khu vực cũng như trên thế giới, TS. Habibah Abdul Rahim nhấn mạnh rằng các số liệu báo cáo từ OECD, UNESCO và SEA-PLM sẽ là nguồn tư liệu tốt cho nghiên cứu chính sách nhằm tháo gỡ những trở ngại cho giáo dục. Cuối cùng, bà cảm ơn những người tham gia và khẳng định rằng SEAMES sẽ hỗ trợ những gì các trung tâm SEAMEO đang làm để tiếp cận giáo dục, chất lượng và tính toàn diện.

32024 04 02 14.28.27
TS. Habibah Abdul Rahim cảm ơn các tổ chức đồng hành sự kiện

Bà Soumaya Maghnouj, Nhà phân tích chính sách giáo dục của OECD, mở đầu phiên buổi chiều bằng một bài thuyết trình chi tiết về PISA, một chương trình quốc tế do chính phủ chỉ đạo, được thực hiện ba năm một lần kể từ năm 2000. Bà cho biết PISA nhằm mục đích đánh giá mức độ mà các thế hệ tương lai đã tiếp thu được kiến thức và những kỹ năng cần thiết để tham gia toàn diện vào xã hội. Bà trích dẫn số liệu từ PISA 2022 để minh họa dữ liệu đầu vào cho nghiên cứu chính sách theo bốn loại chính là kết quả thi của học sinh, yếu tố trình độ học vấn, yếu tố trường học và yếu tố cấp độ hệ thống. Bà chia sẻ rằng có hai cách để sử dụng PISA: sử dụng lại các chỉ số, bảng biểu của PISA, hoặc sử dụng dữ liệu thô của PISA để phân tích và làm nghiên cứu mới.

42024 04 02 14.28.32
Bà Soumaya Maghnouj thực hiện một khảo sát tại chỗ

Ông Alejandro Ibanez đại diện Ban Thư ký SEA-PLM, tiếp tục chương trình với phần mô tả về SEA-PLM, một công cụ đánh giá quy mô lớn trong khu vực được thiết kế bởi và dành cho các nước Đông Nam Á. SEA-PLM có ba trụ cột: Nó tạo ra các chỉ số dữ liệu so sánh và phân tích về kết quả học tập và bối cảnh; nó tăng cường hợp tác và trao đổi; nó thúc đẩy và nâng cao năng lực kỹ thuật và việc sử dụng bằng chứng. Ông đã trình bày một số dữ liệu thú vị từ các báo cáo SEA-PLM có thể cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định chính sách. Ông kết thúc bài thuyết trình của mình rằng nếu không có sự can thiệp của người làm công tác giáo dục, những người học nào sớm tụt lại phía sau sẽ khó có thể bắt kịp tiến độ về sau.

52024 04 02 14.28.44
Ông Alejandro Ibanez trình bày về SEA-PLM

Cuối cùng, Bà Katharine S Redman, Giám đốc Truyền thông và Vận động chính sách, và Bà Endrizzi Francesca, Cán bộ Dự án (Nghiên cứu) phụ trách Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu của UNESCO (GEM) chia sẻ thông tin về báo cáo này. GEM không chỉ là một báo cáo, theo diễn giả, mà là công cụ giám sát toàn diện, theo dõi các tiến bộ và thách thức trong giáo dục cho Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 trên phạm vi thế giới. Hai Bà giới thiệu hai trang web hữu ích cho công tác nghiên cứu chính sách: PEER (https://education-profiles.org) và WIDE (https://www.education-inequalities.org). Cuối cùng, hai Bà hướng dẫn hội thảo cách biến ý tưởng thành hiện thực nghiên cứu thông qua 5 câu hỏi: Tại sao ta cần nghiên cứu vấn đề này? Ta cần nghiên cứu khía cạnh nào của vấn đề? Có những nguồn tài nguyên nào ta có thể sử dụng? Thiết kế nghiên cứu nào là phù hợp nhất cho vấn đề này? Và làm thế nào ta bảo đảm được chất lượng nghiên cứu?

Ngày làm việc đầu kết thúc bằng một bài tập sôi nổi do Ban thư ký SEAMEO tổ chức, mang lại những tiếng cười sảng khoái sau một ngày làm việc căng thẳng.

Hội thảo tiếp tục vào ngày 28 tháng 3, lần này nghiêng về khía cạnh thực hành nhiều hơn. Ông Emiljohn Sentillas tóm tắt lại nọi dung ngày đầu tiên bằng một hoạt động tương tác, trong đó yêu cầu mỗi nhóm suy ngẫm về những bài học quan trọng của ngày đầu tiên. Đại diện cho Nhóm 2, ông Phước, SEAMEO CELLL cho rằng, muốn làm gì thì phải hiểu đúng ngay từ đầu các khái niệm liên quan, trong trường hợp này là định nghĩa về nghiên cứu chính sách mà ông Emiljohn Sentillas đã nêu ra hôm trước: Nghiên cứu chính sách là quá trình tiến hành nghiên cứu hoặc phân tích một vấn đề xã hội cơ bản nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những khuyến nghị định hướng hành động thực tế nhằm giảm bớt vấn đề.

Sau đó, Bà Katharine S Redman và Bà Endrizzi Francesca trình bày cách làm sao có thể trình bày kết quả nghiên cứu một cách ấn tượng với người đọc. Họ khẳng định rằng để nghiên cứu chính sách có những tác động mong muốn, nó phải được trình bày theo một dạng thức phù hợp với đối tượng ta hướng tới. Đây có thể là một báo cáo, tóm tắt chính sách, áp phích, bài báo chuyên ngành được bình duyệt, thông cáo báo chí, dữ liệu trực quan, video, tweet! Tóm tắt chính sách là bản tóm tắt ngắn gọn các thông tin có thể giúp người đọc hiểu và đưa ra quyết định về các chính sách của chính phủ. Nó có thể là một bản tóm tắt khách quan về các nghiên cứu có liên quan, đề xuất các lựa chọn chính sách khả thi hoặc cũng có thể có phần tranh luận về các đường hướng hành động cụ thể.

62024 04 02 14.28.49
Bà Katharine S Redman thuyết trình về các yếu tố cân nhắc khi viết bản tóm tắt chính sách

Hai Bà nói thêm, sau khi kết thúc nghiên cứu về một vấn đề chính sách là công việc viết báo cáo nghiên cứu. Sau đó có thể là viết bản tóm tắt chính sách. Khi viết bản tóm tắt chính sách, cần cân nhắc năm vấn đề: Độc giả mục tiêu là ai? Thiết kế nào phù hợp nhất với độc giả đó? Bản tóm tắt chính sách nhằm mục đích truyền tải thông điệp gì? Những khuyến nghị nào được rút ra để giải quyết vấn đề? Tác động của giải pháp được đề xuất sẽ là gì?

Họ nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách thường bận rộn nên không thể đọc được những báo cáo dài. Nguyên tắc chung là giữ cho bản tóm tắt chính sách ngắn gọn, dễ đọc, đi vào vấn đề và kết thúc bằng lời kêu gọi hành động. Cần sử dụng ngôn ngữ thích hợp với người đọc, biểu đồ trực quan, đồ thị và bảng. Thông tin quan trọng phải nổi bật bằng cách sử dụng màu khác, dùng chữ kích thước lớn hơn, đánh dấu màu (highlight), sử dụng hình dạng khác hoặc áp dụng họa tiết khác cho hình dạng chứa văn bản quan trọng.

Họ nói thêm rằng khuyến nghị chính sách phải khả thi về mặt chính trị, phải có thể thực hiện được vì “sự mơ hồ là kẻ thù của hành động”, phải kịp thời, phải có minh chứng và phải dễ nhớ.

Hội thảo đan xen lý thuyết và thực hành suốt cả ngày. Đến cuối ngày, những người tham gia đã có thể suy ngẫm về một vấn đề chính sách ở đất nước của họ và đề xuất ý tưởng xây dựng một nghiên cứu để tìm ra các giải pháp khả thi mà họ có thể trình bày trong bản tóm tắt chính sách có khả năng ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách.

72024 04 02 14.28.5682024 04 02 14.29.01

92024 04 02 14.29.06
Một số hình ảnh hoạt động nhóm

Trong lời phát biểu kết thúc tập huấn, Ông John Sienna chia sẻ suy nghĩ của mình về kết quả đầu ra của hội thảo và niềm tin của ông vào kết quả hiệu quả của hội thảo. Ông cảm ơn các chuyên gia diễn giả và tổ chức của họ vì sự hỗ trợ quý báu cho sự thành công của sự kiện.

Tập huấn nghiên cứu chính sách này được thực hiện nhằm đáp ứng một yêu cầu chung của nhiều trung tâm SEAMEO là Ban Thư ký SEAMEO nên tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu chính sách cho khu vực. Nó được tài trợ bởi Chương trình Hỗ trợ Thúc đẩy Giáo dục Trẻ em gái ASEAN-Anh (SAGE).

Tin tức xem nhiều

Bài viết cùng chủ đề

Không có bài viết nào