Skip links

SEAMEO CELLL tham gia loạt sự kiện giáo dục do Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức

Trong 3 ngày 14-16/03/2024, Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã tổ chức 2 sự kiện giáo dục: Hội nghị Quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” tại Khách sạn Melia, Hà Nội, và tập huấn “Kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng giáo dục nhằm đảm bảo nền giáo dục chất lượng” tại Khách sạn Adonis, Hà Nội.

r1
Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khai mạc hội nghị
Đến tham dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng VNIES; TS. Mai Anh Trinh, Phó Viện trưởng VNIES; bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO – Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam; Bà Miki Nozawa, Trưởng chương trình Giáo dục UNESCO Việt Nam; Ông Christoph Jost, Giám đốc DVV International Khu vực Đông Nam Á, cùng hơn 70 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà giáo dục từ các viện nghiên cứu và trường đại học, các Sở GDĐT, các tổ chức quốc tế về giáo dục trong và ngoài nước tham gia trực tiếp. Về phía trung tâm SEAMEO CELLL có Ông Khấu Hữu Phước, trưởng phòng Nghiên cứu-Đào tạo, tham dự.
r2
Ông Khấu Hữu Phước phát biểu tại hội nghị

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến: Công bằng giáo dục – vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện; các bước xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục; vai trò của kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; kinh nghiệm và thực tiễn về công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục; kế hoạch chiến lược giáo dục ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu cao những thành tựu giáo dục Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định Việt Nam đang vượt nhiều quốc gia khác có cùng thu nhập trong lĩnh vực cung cấp nền giáo dục công bằng và chất lượng. Cả nước đã phổ cập hoàn toàn giáo dục cho trẻ 5 tuổi; giáo dục thường xuyên đã phát triển đa dạng nội dung, và hình thức; chất lượng giáo dục chính quy được nâng cao. Cả nước đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Thứ trưởng chúc hội nghị có nhiều kết quả.

Phần khai mạc hội nghị được tiếp nối với Bà Lê Thị Hồng Vân. Bà đề cập đến những thách thức toàn cầu khiến việc đổi mới giáo dục là việc làm cấp thiết. Và để thực hiện điều này hiệu quả, cần có những kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp. Tiếp đó Ông Johnathan Baker cũng đề cập đến tính cấp thiết của đổi mới giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới khi mà nhiều mục tiêu phát triển bền vững có thể sẽ không đạt được vào năm 2030. Ông đánh giá cao cam kết chính trị của Việt Nam, và những nỗ lực chúng ta đã đạt được trong bình đẳng giới trong giáo dục.

r3
Bà Lê Thị Hồng Vân khai mạc hội nghị

Phiên toàn thể của hội nghị có 7 bài trình bày. Ông Nyi Nyi Thaung, Chuyên gia Chương trình UNESCO Bangkok tập trung vào vấn đề công bằng, hoà nhập và bình đẳng giới. Ông xác nhận Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới giáo dục, và đơn cử thí dụ từ Luật Giáo dục 2019 rằng Điều 15 đã xác định giáo dục hoà nhập là mục đích của giáo dục Việt Nam. TS. Sherlyne Acosta, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu giáo dục của trung tâm SEAMEO INNOTECH, trình bày về hoạch định chiến lược thông qua các chu kỳ đổi mới chính sách. Bà nhấn mạnh phải có tầm nhìn xa cho công tác này. Một chu kỳ chính sách thường có 6 giai đoạn: Xác định vấn đề-Đề xuất chính sách-Thông qua chính sách-Thực hiện-Đánh giá-Quyết định giữ, tiếp nối, hay thay thế chính sách, và thường kéo dài 10 năm. Quá trình này phải được nhìn trong một tổng thể hệ thống giáo dục, cân nhắc các khía cạnh cấp độ giáo dục, hình thức giáo dục, và các vấn đề tổng quát liên quan như giới tính, công nghệ, HIV. Một khi đã có chính sách mới có thể đưa ra các chiến lược, từ đó lên kế hoạch hành động cụ thể.

r4
TS. Sherlyne Acosta trình bày về hoạch định giáo dục

Phiên toàn thể buổi chiều mở đầu bằng bài trình bày của Ông Christoph Jost. Ông giới thiệu về tổ chức DVV International. Đây là cơ quan hợp tác quốc tế của Hiệp hội Giáo dục người lớn của Đức (DVV), chịu trách nhiệm phối hợp và đẩy mạnh hoạt động giáo dục người lớn trên toàn thế giới thông qua các văn phòng khu vực của Hiệp hội DVV. DVV International có trên 200 đối tác ở trên 30 quốc gia thuộc châu Á, Âu, Mỹ Latin, và Phi. Ông cũng trình bày về khái niệm giáo dục người lớn theo cách nhìn của UNESCO. Giáo dục người lớn không nhất thiết chỉ dành cho người lớn vì quy định về tuổi trưởng thành cũng không giống nhau hoàn toàn giữa các nước, và nhiều người trẻ có nhu cầu vẫn tham gia vào những lớp học phù hợp nhu cầu được cho là dành cho người lớn. Giáo dục người lớn cung cấp nhiều lộ trình học tập và cơ hội học tập linh động. Trong một thế giới có nhiều thay đổi và thay đổi ngày càng nhanh, giáo dục người lớn lại quan trọng hơn bao giờ hết trong việc góp phần làm cho giáo dục công bằng và hoà nhập hơn, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể phát triển hết tiềm năng của mình.

r5
Ông Christoph Jost trình bày về DVV International và vai trò của giáo dục người lớn

Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, tiếp tục với phần trình bày về quy hoạch hệ thống giáo dục chuyên biệt. Bà cho biết có sự chênh lệch lớn về số trường chuyên biệt giữa các vùng miền, và giữa loại hình trường công lập và tư thục, và tỉ lệ trẻ khuyết tật, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, đi học chiếm tỉ lệ rất thấp chỉ chiếm tỉ lệ 0,1% (2011-2015) và 0,18% (2016-2020), trẻ khuyết tật nặng gần như không được đi học. Hiện Việt Nam có ba loại hình trường dành cho trẻ khuyết tật: trường giáo dục chuyên biệt, trường giáo dục bán hoà nhập và trường giáo dục hoà nhập, trong đó đích đến cần đạt là nâng cao số trường hoà nhập vì trẻ em từ các trường chuyên biệt khó có cơ hội học lên cao. Theo Bà, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, ít nhất 50% các tỉnh/thành phố có tối thiểu 1 trung tâm giáo dục hoà nhập, và đến 2030 là 100%. Song song đó vẫn phải phát triển trường giáo dục chuyên biệt để cung cấp đủ cơ hội học tập cho các em, nhất là đối tượng khuyết tật nặng. Việc phát triển hệ thống trường này đòi hỏi nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính do đó phải xã hội hoá công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Tiếp nối chương trình, TS. Trịnh Thị Anh Hoa, Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, có bài trình bày về công bằng xã hội trong giáo dục Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bà trích dẫn các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến Hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật quốc tế về quyền con người, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, và công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tất cả đều nhắm đến mục tiêu thực thi quyền con người trong đó có quyền được học tập, hướng nghiệp. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội giáo dục như phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ, cấp học bổng, cấp tín dụng, miễn giảm học phí, hỗ trợ giáo dục cho các nhóm yếu thế như trẻ khuyết tật, trẻ thuộc dân tộc thiểu số, trẻ trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên giới, đồng thời phát triển hệ thống và đội ngũ giáo dục, chương trình học đa dạng linh hoạt. Nhờ đó chất lượng giáo dục ngày càng cải thiện.

Cuối phiên chiều là hai bài trình bày về thực tiễn thành công của hai tổ chức trong sứ mệnh cung cấp cơ hội học tập công bằng cho mọi trẻ em. Đó là tổ chức ChildFund và Room to Read được Bà Tôn Thị Tâm và Nguyễn Nương trình bày. ChildFund là tổ chức giáo dục của Úc hoạt động với tôn chỉ vì một thế giới không đói nghèo, nơi trẻ em nói “em an toàn, em có học, em đóng góp, và em có tương lai”. Hiện ChildFund đang tập trung vào ba lĩnh vực: Bảo vệ trẻ em, Giáo dục cho trẻ em, và Sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ em đang được thực hiện trong giai đoạn 2 của dự án “Quyền học tập của em” dành cho trẻ khuyết tật tại Cao Bằng và Bắc Kạn. Dự án đã có nhiều kết quả tốt, như tất cả các trường trên địa bàn đã có kế hoạch hằng năm hỗ trợ giáo dục hoà nhập, các huyện có phòng Giáo dục Hoà nhập, Huyện Na-Ri đã thành lập Hội người khuyết tật, và đã xây dựng được nhiều điểm vui chơi hoà nhập tại cộng đồng. Đơn vị thứ nhì là nhà xuất bản sách tranh thiếu nhi Room to Read, có mặt trên 29 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, dự án phục vụ cho hai nhóm đối tượng chính: học sinh tiểu học và nữ học sinh và đã triển khai tại 46/63 tỉnh. Ba hoạt động chính của Room to Read là thiết lập thư viện thân thiện, xuất bản sách và thư viện đám mây, và phát triển khả năng nói tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm mục đích nâng cao sự tiếp cận công bằng và hoà nhập trong phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học.

r6
Ảnh lưu niệm đại biểu hội nghị

Cuối ngày làm việc, TS. Mai Anh Trinh điểm lại các điểm chính đã được nhấn mạnh qua các bài trình bày. Ông nhấn mạnh giáo dục không thể độc hành mà là nhiệm vụ của toàn xã hội cùng hợp lực. Ông cũng nhận xét do có rất nhiều khía cạnh khi bàn về giáo dục, trong phạm vi của một ngày, hội nghị chỉ có thể xoáy vào công bằng, hoà nhập và đặc biệt là cho trẻ em khuyết tật.

Hội nghị được tiếp nối bằng 2 ngày tập huấn (15 và 16/3) tại Khách sạn Adonis, Hà  Nội và đi vào thực hành hơn là các thảo luận ở tính vĩ mô của ngày thứ nhất. Tập huấn xoáy vào kỹ thuật hoạch định chính sách giáo dục. Trong thành phần tham dự có Viện trưởng Lê Anh Vinh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, đại diện tổ chức SEAMEO CELLL, đội ngũ giảng viên cùng các học viên của khóa học.

r7
Tập huấn hoạch định chính sách giáo dục

Trong bài phát biểu khai mạc tập huấn, GS. Lê Anh Vinh nhấn mạnh giáo dục là cho tất cả mọi người, nhưng các rào cản lớn khó vượt lại khiến tiến trình cung cấp cơ hội giáo dục trở thành vòng lặp: hoàn cảnh khó khăn khiến việc tiếp cận giáo dục bị hạn chế. Khi thiếu cơ hội học tập thì người dân không nâng cao tri thức, kỹ năng để cải thiện cuộc sống nên không thoát được hoàn cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi công tác hoạch định giáo dục phải thật tốt để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Ông hy vọng qua hai ngày tập huấn, các đại biểu tham dự sẽ nắm các kiến thức nền tảng cho xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục.

Ngày làm việc được bắt đầu với bài trình bày của TS Trịnh Thị Anh Hoa đại diện cho nhóm chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Bài trình bày nêu rõ các khái niệm chiến lược là định hướng hành động, hướng đi chứ không vạch ra đường đi, là cầu nối giữa mục tiêu và hành động cụ thể ở 3 cấp (quốc gia, địa phương, và cơ sở). Trong quá trình xây dựng mục tiêu cần chú trọng 5 tiêu chí: Specific (cụ thể), Measurable (đo lường được), Aggressive but Attainable (khó nhưng có thể đạt được), Result-oriented (định hướng kết quả), và Time-bound (có mốc thời gian cụ thể). Năm từ tiếng Anh được viết tắt lại thành SMART hàm ý cần phải khôn ngoan khi lập mục tiêu.

Sau phần giới thiệu tổng quát về phương pháp xây dựng kế hoạch chiến lược của bà Anh Hoa, ThS. Nguyễn Văn Chiến đại diện cho nhóm chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục VIệt Nam, mô tả các chỉ số cơ bản trong xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục địa phương. Ông phân biệt chỉ số (cho thấy sự thay đổi theo thời gian, hoặc không gian, đo bằng số lần hoặc phần trăm) và chỉ tiêu (mức phải đạt được). Việc xây dựng chỉ số, chỉ tiêu phải căn cứ trên nhiều yếu tố, trong đó có chiến lược phát triển quốc gia theo các giai đoạn, quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giáo dục, các cam kết quốc tế, các thực tiễn phát triển (quá khứ, hiện tại, dự báo), và định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương.

Trong phiên làm việc chiều, TS. Trần Thị Phương Nam hướng dẫn các kỹ thuật đưa ra dự báo trong xây dựng kế hoạch giáo dục của địa phương. Dự báo là sự tiên đoán mang tính khoa học, cho thấy xác suất về trạng thái và xu hướng phát triển của một đối tượng. Trong giáo dục, dự báo là sự ước lượng và tính toán các khía cạnh liên quan đến giáo dục trong tương lai, và thường được thực hiện theo phương pháp chuyên gia, phương pháp dự báo định mức, và phương pháp sơ đồ luồng.

r8
Ảnh lưu niệm đại biểu tham gia tập huấn

Cuối ngày làm việc, TS. Phạm Thị Thuý Hồng đại diện nhóm chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu đề cương cấu trúc của kế hoạch phát triển giáo dục địa phương. Một bản chiến lược phát triển phải xác định được sứ mạng và tầm nhìn của địa phương trong tổng thể phát triển quốc gia. Sứ mạng là LÀM THẾ NÀO đi được đến đâu tổ chức muốn. Nó trả lời cho câu hỏi “Chúng ta làm gì? Điều gì làm cho chúng ta khác biệt?” Tầm nhìn là hoạch định tổ chức muốn ĐI ĐẾN ĐÂU. Nó trả lời câu hỏi “Mục tiêu của tổ chức là đi đến đâu?” hay nói cách khác “Đích đến là gì? Các mục tiêu cụ thể để đạt được mục tiêu chung là gì?” Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, kế hoạch hành động sẽ được xây bao gồm các thành tố chính là Làm gì? Thời gian thực hiện? Đầu vào là gì? Dự kiến đầu ra là gì? Một bản kế hoạch tốt cần nêu được bối cảnh của giáo dục, định hướng của giáo dục, từ đó đi đến mục tiêu chiến lược và đề ra các giải pháp và kế hoạch hành động chiến lược. Ngày làm việc thứ nhì được dành cho các bài tập thực hành xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục địa phương. Khối lượng kiến thức đồ sộ được trình bày tóm lược trong ngày đầu được áp dụng cho tình huống cụ thể, và bước đầu người tham dự đã có thể sơ lược thảo ra một bản kế hoạch chiến lược.

Chuỗi hội nghị và tập huấn lần này được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Tham gia UNESCO nhằm tăng cường chất lượng giáo dục Việt Nam và trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến xây dựng Luật Học tập suốt đời để luật hoá các cơ hội học tập công bằng, có chất lượng cho mọi người dân Việt Nam.

Tin tức xem nhiều

Bài viết cùng chủ đề

Không có bài viết nào