Từ ngày 29/7 đến 02/8/2024, Trung tâm SEAMEO CELLL cử bà Nguyễn Thị Hải, nhân viên Phòng Nghiên cứu – Đào tạo tham gia khoá tập huấn về giáo dục đặc biệt, năm 2024. Khoá tập huấn diễn ra dưới sự chỉ đạo Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) và đại diện lãnh đạo Viện Giáo dục đặc biệt, Văn phòng giáo dục học khu Gyeongsangnam, Hàn Quốc; cùng sự tham gia của hơn 110 cán bộ quản lý, giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có đối tượng học sinh khuyết tật tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Kim Yeong Mi, Viện trưởng Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongsangnam, Hàn Quốc, đã nhấn mạnh rằng Viện đã tổ chức nhiều chương trình bổ ích cho học sinh khuyết tật, bao gồm các hoạt động giáo dục về sức khỏe và an toàn, cũng như các chương trình thúc đẩy việc làm có ích cho xã hội. Viện còn phát triển các chương trình giáo dục về nghệ thuật và văn hóa, đồng thời tư vấn cho giáo viên và gia đình về cách đánh giá năng lực của học sinh khuyết tật. Những nỗ lực này nhằm nâng cao khả năng hoạt động và làm việc của người khuyết tật trong xã hội. Việc tổ chức các buổi tập huấn như vậy là rất cần thiết để chia sẻ các chương trình và phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó phòng GDĐT, GDĐB, Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ và cảm ơn sự hợp tác từ Viện Giáo dục đặc biệt, Văn phòng giáo dục học khu Gyeongsangnam.
Nội dung tập huấn tập trung vào nhiều khía cạnh của giáo dục đặc biệt, bao gồm các phương pháp giảng dạy cho học sinh khuyết tật, bổ sung tài liệu và dụng cụ giảng dạy, cũng như tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và học viên giáo dục đặc biệt.
Các chuyên gia đã giới thiệu về việc áp dụng công nghệ giáo dục và trí tuệ nhân tạo; các chính sách hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh khuyết tật ở Hàn Quốc.
Trong quá trình giảng dạy, luôn có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để các thầy, cô có thể hiểu rõ các phương pháp, phần mềm sử dụng cho dạy học.
Ngoài ra, các chuyên gia chia sẻ cách tiếp cận một cách cá nhân, hiểu rõ về nhu cầu, sở thích và khả năng của học sinh, và cũng nhấn mạnh hợp tác với gia đình và cộng đồng để hiểu rõ về hoàn cảnh của học sinh giúp tạo ra môi trường giáo dục thân thiện và hỗ trợ cho học sinh khuyết tật.
Chiều ngày 02/8, tổ chức lễ bế mạc khoá tập huấn về giáo dục đặc biệt năm 2024.
PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) phát biểu: Khóa tập huấn này là một phần trong chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên về giáo dục đặc biệt và hòa nhập tại Việt Nam, thực hiện một trong bốn chức năng và nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên theo quy định của theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Chương trình cũng hỗ trợ sứ mệnh của UNESCO, cải thiện chất lượng giáo dục cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy hợp tác giáo dục đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Các chuyên gia từ Viện Giáo dục đặc biệt Học khu Gyeongsangnam đã chia sẻ kiến thức và phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp giáo viên Việt Nam nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Gửi lời cảm ơn đến bà Kim Yeong Mi Viện trưởng Viện Giáo dục đặc biệt thuộc Học khu Gyeongsangnam, Hàn Quốc, cùng các thầy cô giáo giảng dạy, đơn vị đăng cai tổ chức: Trung tâm GDNN – GDTT Quận 12 đã phối hợp, chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, tốt nhất và cuối cùng gửi lời cảm ơn đến Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để khoá tập huấn thành công.
Viện Giáo dục Đặc biệt, giáo dục học khu Gyeongsangnam, Hàn Quốc, tổ chức lễ trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn. Mỗi giấy chứng nhận được trao tặng đều mang dấu ấn đặc biệt từ Giám đốc viện, thể hiện sự công nhận chính thức và sự khuyến khích từ ban lãnh đạo. Giám đốc viện đã trực tiếp trao những tấm giấy chứng nhận cho các thầy, cô tham dự khoá tập huấn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau.
Với chủ đề “Giáo dục đặc biệt cùng đồng hành qua giao tiếp và đồng cảm” của khoá tập huấn Giáo dục đặc biệt năm 2024 cho cán bộ quản lý và giáo viên Việt Nam. Cùng với những nỗ lực trong suốt một tuần qua của ban tổ chức, đội ngũ giảng viên và học viên đã cung cấp được những kiến thức nền tảng về giáo dục đặc biệt và là tiền đề quan trọng để xây dựng văn hóa khuyết tật đồng cảm và chia sẻ kinh nghiệm về về giáo dục đặc biệt tại Hàn Quốc, để vận dụng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.